Cần làm gì khi sếp của bạn sắp nhảy việc?
Hãy để sếp chủ động tuyển chọn bạn và tránh những câu nói khiến công ty hiểu rằng bạn không vui vẻ khi làm tại đây. Ngay cả khi sếp tỏ ý muốn kéo bạn theo cùng trong công việc
Nếu ngày nào đó, bạn nghi ngờ rằng sếp của mình sắp sửa nhảy việc, đừng nên ngồi yên một chỗ và chỉ chờ xem diễn biến.
Chuyên gia Lynn Taylor, giảng viên huấn luyện về nghệ thuật lãnh đạo và tác giả quyển sách “Tame Your Terrible Office Tyrant”, đã nói “Quyết định nghỉ việc của sếp có thể ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến sự nghiệp của bạn, tùy tình huống. Song song với việc tập trung để làm tốt nhất công việc, bạn cũng nên dành nỗ lực để có bước đi chủ động, lập kế hoạch dự phòng cho sự nghiệp.”
Dưới đây là những điều Lynn Taylor gợi ý bạn nên làm nếu cho rằng sếp của bạn sắp rời bỏ công ty:
Giữ bình tĩnh
Đây không phải lúc để hoảng sợ. Chỉ vì sếp được “giải phóng” khỏi công ty không có nghĩa rằng công việc của bạn đang gặp rủi ro. Hãy cố cư xử đúng mực, đừng nói hoặc làm gì đó bốc đồng; chấp nhận sự thật bằng thái độ cẩn trọng suy xét, và dành thời gian suy nghĩ thông suốt về mọi thứ.
Giữ mắt và tai rộng mở
Có phải sự ra đi của sếp mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi? Hãy bật “radar” của bạn lên ngay để nghe ngóng những thay đổi khác sẽ đến, ví dụ như công ty có một đợt nghỉ việc hàng loạt, đóng cửa một phòng ban chức năng, ngừng kinh doanh sản phẩm/dịch vụ, cắt giảm ngân sách hoặc các vấn đề khác nữa.
Tìm hiểu thông tin
Nếu có nghi ngờ rằng sếp của mình đang sắp “tháo chạy”, đây cũng là lúc để bạn kín đáo bắt tay tìm hiểu và có những bước đi chủ động.
Hãy nhìn vào góc độ triển vọng và an toàn trong công việc của mình. Bạn có thể thấy mình đang ở trong một cơ hội lớn để được nắm giữ trách nhiệm lớn hơn rất nhiều. Bạn có thể phải đưa ra quyết định khó khăn là ra đi để tránh những tình huống bất trắc. Hoặc động thái chỉ là ở lại với công việc trong sự trung lập. Bất kể mọi thông tin đang ám chỉ điều gì, trong một sự kiện lớn thế này, nó rất giá trị để bạn phân tích nhằm giữ cho mục tiêu nghề nghiệp lâu dài luôn đi đúng hướng.
Thử một cuộc trò chuyện riêng tư
Tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn với sếp, nếu các hành động hay thái độ mới của họ ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ, và những tin đồn khiến bạn mất tập trung vào mục tiêu, hãy cố thử có một buổi trò chuyện kín đáo. Chỉ cần đừng làm lộ ra sự xao động trong lòng mình, hãy giải thích rằng bạn vẫn trung thành và muốn mình luôn làm việc hữu ích nhất có thể. Đừng cố tranh thủ mua chuộc tình cảm cấp trên hoặc mạo hiểm bằng cách làm phiền họ bằng những câu hỏi có vẻ vượt quá giới hạn.
Thúc đẩy công việc
Sự ra đi của sếp sẽ mang đến những tác động sâu rộng đến tình hình của bạn. Bạn có thể có sếp mới hoặc bạn được thăng chức, hoặc thậm chí bạn bị mất việc. Cách tốt nhất là làm việc chăm chỉ, giữ sự tập trung, có thái độ tốt, giúp đỡ mọi người và hoàn thành nhiệm vụ với kết quả rõ ràng.
Luôn hợp tác nếu khối lượng công việc bị tăng lên
Hãy nhận thức về khả năng phải gánh vác thêm trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi. Sếp của bạn có khả năng sẽ thiếu tập trung hoặc lơi lỏng hơn nếu có một công việc khác đang chờ đợi. Đây có thể là tình hình tổng quan có lợi cho bạn. Nó đồng nghĩa với trách nhiệm nhiều hơn, thách thức lớn hơn và, tất nhiên, phần thưởng tuyệt vời hơn.
Không nói xấu hay lan truyền tin đồn
Những suy nghĩ về việc sếp từ chức có vẻ rất đáng lo. Khuynh hướng tự nhiên là bạn sẽ tìm hiểu thông tin từ mọi nguồn có thể. Nhưng hãy chống lại sự cám dỗ của việc tham gia vào những phút buôn chuyện, đồn đoán. Bằng cách này hay cách khác, các câu chuyện này có thể sẽ thay đổi chỉ sau một đêm ngủ dậy.
Những mẩu chuyện “ngồi lê đôi mách” mà bạn lan truyền có thể phản tác dụng, sẽ gây nguy hiểm cho công việc của chính bạn. Tốt hơn hết nên có sự tìm hiểu phù hợp hơn bằng cách hỏi những người có thông tin xác thực, chẳng hạn như sự phát triển của công ty hoặc hướng chỉ đạo của ban lãnh đạo.
Giữ tính chuyên nghiệp
Không có vấn đề gì với tình huống này, ngay cả khi sếp cố gắng thuyết phục bạn rằng công ty là một doanh nghiệp xấu. Đừng để bị tác động. Thay vào đó, chọn vị thế trung lập.
Cạnh đó, ngay cả khi rất buồn vì sếp mình muốn nghỉ việc, bạn cố đừng thể hiện quá nhiều cảm xúc tại nơi làm việc.
Tránh hành động thái quá
Đừng bắt đầu cố gắng bợ đỡ những người có quyền hành hay đòi hỏi những đặc quyền riêng một cách tự mãn như vị trí ngồi làm việc với tầm nhìn đẹp bên cửa sổ hay chỗ để xe rộng rãi gần văn phòng nếu như bạn không muốn chính mình cũng phải mau chóng tìm một công ty khác. Thay vào đó, cứ làm tốt nhất công việc của bạn.
Nếu đây là sự thật, cũng vẫn tích cực
Nếu sếp của bạn đang thật sự gọi đây là sự từ bỏ, hãy nhớ rằng người này là một đầu mối liên lạc rất quan trọng trong mạng lưới của bạn, sẽ càng may mắn hơn nữa nếu đó là một mối quan hệ lâu năm.
Tất nhiên bạn sẽ không muốn phá vỡ các mối quan hệ, nguồn tham khảo cực kỳ thân cận. Trên tất cả mọi điều, sếp của bạn là một thành viên cực kỳ quan trọng trong vòng tròn xã hội, người xác nhận cho chuyên môn của bạn. Họ có thể là người sau này sẽ liên lạc để mời bạn làm việc, hoặc giới thiệu bạn đến với công việc trong mơ.
Không đưa ra đánh giá mang tính cá nhân
Nếu sếp của bạn ra đi để mọi việc trở nên tốt hơn, có vẻ như tương lai không có gì để làm với bạn nữa, thì cũng hãy tỏ ra thông cảm và nhìn vào mặt tươi sáng. Đừng đánh giá mọi thứ dưới góc nhìn cá nhân mà hãy cố gắng hỗ trợ nhiều hơn.
Đừng lộ ra dấu hiệu rằng bạn cũng muốn rời đi
Hãy để sếp chủ động tuyển chọn bạn và tránh những câu nói khiến công ty hiểu rằng bạn không vui vẻ khi làm tại đây. Ngay cả khi sếp tỏ ý muốn kéo bạn theo cùng trong công việc mới, hãy cẩn trọng và chờ đợi nếu bạn quan tâm đến điều đó. Câu thành ngữ “thả mồi bắt bóng” có ý nghĩa cho trường hợp này, bạn cần có thêm thời gian để chuẩn bị và cân nhắc.
Leave a Reply