Cách vượt qua sai phạm trong công việc nhanh nhất
Nhà tư vấn Crawford cho ý kiến về những gì nên nói: “Đây là sai lầm tôi đã phạm phải, cách tôi giải quyết như sau. Đây là điều tôi học được và giờ tôi đã thay đổi những gì.”
Ai cũng có lần mắc lỗi trong công việc. Chẳng hạn như bạn trót thốt ra một câu nói nào đó không đúng lúc đúng chỗ, hay nổi nóng với nhầm người. Tệ hơn nữa là khi bạn đang phàn nàn về công việc thì bị sếp bắt gặp. Có những sai lầm nghiêm trọng tới mức khiến bạn bị sa thải và ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp.
Chủ nhân trang blog nghề nghiệp JobJenny.com, Jenny Foss cho biết: “Hiếm có sai lầm nào mà con người không thể cứu vãn được. Vấn đề là giám đốc của bạn có cho bạn cơ hội cứu vãn hay không.”
Điều đó là hoàn toàn có thể nếu bạn làm theo những bước sau:
Chẩn đoán lỗi sai
Những sai sót của bạn có thể không gây hậu quả lớn, nhưng biết đâu chúng lại là dấu hiệu của một vấn đề trầm trọng hơn.
Sarah Vermunt, nhà sáng lập công ty tư vấn phát triển nghề nghiệp Careergasm, khuyên nên dành thời gian tự suy ngẫm về bản thân. Sau khi suy nghĩ kỹ, có thể bạn sẽ nhận ra mình mắc lỗi vì đã phải làm việc quá sức hoặc đang bị đè nặng bởi trách nhiệm công việc.
Hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của việc phạm sai lầm sẽ giúp bạn vạch ra những bước đi tiếp theo.
Nhận sai và xin lỗi
Sự mất kiềm chế của bạn sẽ ảnh hưởng đến bạn, đồng nghiệp và cả khách hàng nên hãy xin lỗi tất cả những ai bị liên lụy. Bà Foss cho biết: “Bạn cần chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra và đề xuất giải pháp khắc phục hoặc cách tiếp tục công việc.”
Nhà tư vấn phát triển nghề nghiệp Hallie Crawford khuyên bạn nên xin ông chủ gia hạn thêm 6 tháng để chứng minh bản thân khi đứng trước nguy cơ mất việc.
Duy trì quan hệ
Thường xuyên báo cáo với giám đốc những việc bạn đang làm để sửa chữa sai lầm. Ông Crawford tiết lộ: “Được tuyển dụng hay bị sa thải đều dựa vào kỹ năng mềm của người đó. Ai cũng từng mắc lỗi. Cách bạn xử lý nó mới thể hiện được năng lực bản thân.”
Đừng cố đóng vai nạn nhân và bào chữa cho những gì mình đã gây ra. Bà Foss nhận định: “Hãy thể hiện bằng hành động để mọi người thấy bạn thực sự mong muốn sửa sai, bạn xứng đáng được giữ lại làm việc và sẽ không suy sụp chỉ vì một sai lầm ngớ ngẩn nào đó.”
Chờ đợi và quan sát tình hình
Thay vì đuổi việc, giám đốc có thể sẽ cho bạn thời gian thử thách. Đây là lúc các đồng nghiệp đánh giá xem bạn còn phù hợp với công việc không, đồng thời cũng là lúc bạn nên tự cân nhắc.
“Nếu ông chủ và các đồng nghiệp không thể tin bạn nữa, hãy từ chức đi thôi. Còn nếu họ tin tưởng và cho bạn cơ hội, nhưng uy tín của bạn với khách hàng đã bị hủy hoại thì vẫn nên tiếp tục cố gắng.” – ông Crawford phát biểu.
Suy nghĩ tích cực
Theo bà Foss, người chuyên nghiệp luôn tiến xa trong công việc vì họ biết nhận lỗi, sửa sai và bước tiếp, đem lại lợi ích lớn cho công ty.
Nên nhớ rằng sai lầm càng nghiêm trọng thì càng khó che đậy. Hãy chủ động và chuẩn bị trước phải nói gì nếu bị hỏi về sai lầm đó. Bạn nên nói ngắn gọn, càng dài dòng thì càng dễ gặp rắc rối.
Nhà tư vấn Crawford cho ý kiến về những gì nên nói: “Đây là sai lầm tôi đã phạm phải, cách tôi giải quyết như sau. Đây là điều tôi học được và giờ tôi đã thay đổi những gì.”
Hãy chú ý những điều dưới đây để tránh mắc lỗi trong công việc sau này:
– Chăm sóc bản thân thật tốt. Stress có thể khiến bạn hành động sai lầm.
– Xác định rõ ai mới thực sự là bạn.
– Hãy nhớ rằng luôn có người để mắt đến bạn. Suy nghĩ kỹ trước khi nói hay hành động, nhưng đừng quá căng thẳng. Cứ thả lỏng và cười đùa những lúc thích hợp.
Leave a Reply